Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực, học ngành Dược có tương lai không là câu hỏi mà rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giúp thí sinh khám phá được những khía cạnh khác nhau của ngành dược, cơ hội nghề nghiệp cũng như vai trò của ngành Dược trong đời sống hiện nay.
Ngành Dược và vai trò của Dược sĩ trong xã hội
Ngành Dược đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong hệ thống y tế Việt Nam, Dược sĩ là những người làm việc chủ yếu trong lĩnh vực này, do đó chúng ta cần phải nắm rõ được những thông tin cần thiết liên quan đến công việc này.
Ngành Dược là gì?
Ngành Dược là tên gọi chung về một ngành nghề trong lĩnh vực y tế, ngành Dược chuyên về bào chế, sản xuất các loại thuốc (dược phẩm), thực hiện việc phân phối thuốc chữa bệnh.
Người hành nghề trong ngành Dược được gọi là Dược sĩ, đây là những người trực tiếp tham gia vào quá trình nghiên cứu sản xuất thuốc hay tham gia vào thị trường phân phối dược phẩm, chịu trách nhiệm cung cấp thông tin hoặc giải đáp thắc mắc của người bệnh về cách sử dụng thuốc hiệu quả.
Vai trò của Dược sĩ trong xã hội
Dược sĩ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc, điều trị sức khỏe cho người bệnh. Họ có liên quan mật thiết đến các chuyên gia y tế như bác sĩ hay điều dưỡng, bởi họ là những người có thể tư vấn thêm cho các bác sĩ về công dụng tốt nhất, hiệu quả nhất khi điều trị bệnh.
Bên cạnh đó, Dược sĩ không đơn thuần chỉ phân phối thuốc mà họ còn đóng vai trò quan trọng trong việc tư vấn sức khỏe, giáo dục người bệnh về cách sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả. Giúp bệnh nhân hiểu rõ về thời gian sử dụng, liều lượng, các tác dụng phụ gây ra trong quá trình sử dụng thuốc.
Có thể thấy, ngoài Bác sĩ, Dược sĩ cũng là những người có vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người bệnh hiện nay.
Học ngành Dược có tương lai không?
Từ những thông tin trên, việc lựa chọn học tập trong những lĩnh vực ngành Dược là một quyết định vô cùng chính xác, trong bối cảnh ngành Dược đang từng bước phát triển hơn nữa.
Xu hướng phát triển ngành Dược những năm gần đây
Việt Nam đang trong thời kỳ già hóa dân số, đi kèm với đó là việc nhân khẩu học và thu nhập bình quân tăng cao, chính điều này đã góp phần đẩy mạnh tăng trưởng ngành Dược trong những năm gần đây.
Theo thống kê tốc độ tăng trưởng nhanh trong giai đoạn bùng phát của dịch Covid-19, khi người dân chi tiêu nhiều hơn cho các nhóm dược phẩm về hô hấp và miễn dịch. Trong đó:
- Doanh thu trên kênh ETC (bệnh viện) đạt 3,4 tỷ USD tăng 18%, chiếm 40% quy mô thị trường.
- Doanh thu trên kênh OTC (bán lẻ) đạt 5,1 tỷ USD giảm 1%, thị phần bị thu hẹp, chiếm tỷ trọng 60% quy mô thị trường.
Con số trên cho thấy thị trường dược phẩm vẫn đang vô cùng sôi động, thêm nữa dân số già hóa và thu nhập của người dân tăng cao hơn trước, người dân dành nhiều chi tiêu cho việc chăm sóc sức khỏe. Fitch Solutions dự báo chi tiêu bình quân đầu người dành cho dược phẩm có xu hướng tăng lên từ mức 1,46 triệu đồng của năm 2021 lên 2,12 triệu đồng vào năm 2026, tương đương với mức tăng trưởng kép +7,8% trong vòng 5 năm tới, chiếm tỷ trọng trung bình 5% thu nhập bình quân đầu người mỗi năm.
Xu hướng già hóa dân số dự báo trong những năm tới
Từ sau đại dịch Covid-19, mức độ quan tâm tới sức khỏe của người dân cũng tăng lên, điều này đồng nghĩa với việc người dân sử dụng nhiều loại dược phẩm không chỉ để chữa bệnh mà còn để chăm sóc và duy trì sức khỏe. Bên cạnh đó chính sách ưu tiên sử dụng thuốc generic thay vì biệt dược gốc nhằm giảm giá thành, giảm gánh nặng kinh tế cho quỹ BHYT giúp cho các công ty dược nội địa thúc đẩy doanh số, tăng nhu cầu sản xuất.
Mặt khác, kênh OTC dự kiến sẽ tăng trưởng ổn định tương đương với mức tăng trưởng chung của ngành khoảng 7-8% nhờ hệ thống phân phối rộng lớn của các chuỗi cửa hàng thuốc bán lẻ và hơn 62.000 nhà thuốc truyền thống thói quen mua thuốc tại các cửa hàng bán lẻ thay vì đến bệnh viện của phần đông người dân.
Chính những điều này góp phần thúc đẩy đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành Dược trong những năm gần đây.
Tương lai khi lựa chọn học ngành Dược
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9/10/2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược). Theo đó:
- Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vaccine sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.
- Đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm có giá trị cao trong khu vực khi tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vaccine, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
- Xây dựng được 08 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên và 02 – 05 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Phục tráng, nhập nội, di thực, phát triển được 10 – 15 loài cây dược liệu có nguồn gốc nhập khẩu số lượng lớn. 100% nguyên liệu dược liệu được tiêu chuẩn hóa (cao chiết, tinh dầu, bột dược liệu) phục vụ sản xuất thuốc trong nước.
- 100% thuốc trong quá trình lưu hành trên thị trường đều được giám sát chặt chẽ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có sử dụng thuốc, tăng tỉ lệ người làm công tác dược lâm sàng.
- Phấn đấu hoàn thành chuyển đổi số ngành dược, quản lý chặt chẽ hệ thống phân phối và cung ứng thuốc.
Có thể thấy được rằng, chính phủ Việt Nam cũng rất quan tâm đến lĩnh vực ngành Dược, nắm bắt được những xu thế phát triển đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của ngành Dược không chỉ trong mà cả ngoài nước. Giúp ngành Dược Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội việc làm cho những người học tập làm việc trong ngành Dược. Đây chính là cơ hội vô cùng tốt cho những thí sinh đang có nguyện vọng theo đuổi ước mơ trở thành Dược sĩ.
Ngành Dược có dễ xin việc không?
Hàng năm tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Dược ra trường có việc làm tương đối cao. Theo thống kê của Trường Đại học Y Dược Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp tra trường có việc làm sau 12 tháng đạt từ 80 đến 100%. Trong đó, tỷ lệ sinh viên học ngành Dược ra trường có việc làm đạt 83,9%.
Ngành Dược có mức độ dễ hay khó khi xin việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc, và xu hướng thị trường lao động tại từng thời điểm. Các công ty dược phẩm lớn và chuỗi nhà thuốc thường có nhu cầu tuyển dụng nhân viên dược sĩ, thị trường có sự cạnh tranh lớn giữa các Dược sĩ giỏi chuyên môn và tay nghề. Bên cạnh đó, công việc ngành Dược cũng rất đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể chọn cho mình một việc làm phù hợp. Các công việc ngành Dược như:
Làm việc tại các cơ sở y tế:
Một trong những hướng đi phổ biến nhất cho sinh viên ngành dược là làm việc tại các bệnh viện hoặc phòng khám. Tại đây, dược sĩ sẽ tham gia vào quá trình cung cấp thuốc, tư vấn cho bệnh nhân và hỗ trợ bác sĩ trong việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Tham gia vào ngành công nghiệp dược phẩm:
Có thể làm việc tại các hãng dược phẩm lớn, tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, hay tham gia vào các đội ngũ bán hàng để tiếp thị dược phẩm đến các bác sĩ và bệnh viện. Trở thành chuyên viên quản lý chất lượng, đảm bảo rằng tất cả các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn trước khi đến tay người tiêu dùng.
Công tác giảng dạy và nghiên cứu:
Con đường trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng y dược cũng là một lựa chọn hấp dẫn. Công việc này không chỉ giúp bạn chia sẻ kiến thức mà còn tạo cơ hội cho bạn nghiên cứu và phát triển bản thân trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Hoặc tham gia vào các dự án nghiên cứu, làm việc với các tổ chức y tế hoặc công ty dược phẩm để phát triển các phương pháp điều trị mới.
Khởi nghiệp trong lĩnh vực ngành Dược:
Nếu bạn có ý tưởng sáng tạo và đam mê kinh doanh, việc mở một công ty dược phẩm riêng hoặc phát triển sản phẩm liên quan đến sức khỏe có thể là một hướng đi đầy triển vọng.
Đa dạng công việc giúp cho những thí sinh học tập trong lĩnh vực ngành Dược tự tin khi lựa chọn học tập và theo đuổi trở thành Dược sĩ.
Nên học ngành Dược ở đâu để có cơ hội việc làm tốt nhất
Ngành dược hiện nay không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn vững vàng mà còn cần có khả năng thích ứng nhanh với sự phát triển của khoa học công nghệ cũng như nhu cầu của người tiêu dùng. Chính vì vậy bạn cần lựa chọn cho mình một địa chỉ đào tạo ngành Dược uy tín và chất lượng.
Lựa chọn Cao đẳng hay Đại học Dược
Trên cả nước có rất nhiều trường đào tạo về ngành Dược, trong đó có cả Cao đẳng và Đại học, việc lựa chọn học tập lĩnh vực này tại trường nào cũng dựa trên nhiều yếu tố, đặc biệt phải xem xét đến học lực của bản thân.
- Ở hệ Đại học, mức điểm chuẩn đầu vào khá cao, các trường đại học top đầu cả nước như Đại học Dược Hà Nội, Đại học Y Dược TP.HCM… mức điểm chuẩn ngành Dược thường từ 24 – 26 điểm. Bên cạnh đó, học phí cũng là một trong những vấn đề đáng lo ngại cho nhiều thí sinh, cần cân nhắc vấn đề tài chính của bản thân khi học phí hệ Đại học ngành Dược có thể giao động từ 30 – 45 triệu đồng / năm học. Tuy nhiên, sau khi ra trường, cơ hội việc làm của Dược sĩ Đại học cũng tốt hơn, dễ xin được công việc ở những vị trí với mức lương cao.
- Ngược lại, ở phía hệ Cao đẳng Dược, với mức điểm đầu vào chỉ cần đạt đủ điểm đỗ tốt nghiệp THPT là có thể theo học lĩnh vực ngành Dược. Học phí hệ Cao đẳng cũng dễ thở hơn ở mức 20 – 30 triệu đồng / năm học. Cơ hội việc làm có thể thấp hơn hệ Đại học, tuy nhiên không vì thế mà hệ Cao đẳng trở thành nỗi lo cho các sinh viên bởi bạn có thể vừa đi làm, vừa học liên thông lên hệ Đại học. Có thời gian trau dồi tay nghề, thử sức với các công việc trong lĩnh vực ngành Dược sớm để có cho mình một lựa chọn tốt nhất.
Việc lựa chọn Cao đẳng hay Đại học là hướng đi tốt nhất sẽ tùy vào từng mỗi người, định hướng và công việc khác nhau thì lựa chọn hệ nào cũng cần phải đúng với mục đích của bản thân người học.
Những trường đào tạo ngành Dược tốt nhất hiện nay
Khi đã quyết định được việc lựa chọn hệ đào tạo Cao đẳng Dược hay Đại học Dược, bạn cũng cần cân nhắc đến việc lựa chọn các trường học chất lượng, có chương trình đào tạo phù hợp, giúp sinh viên nắm bắt được những kiến thức từ chuyên sâu đến cơ bản trong lĩnh vực này.
Trường Đại học đào tạo ngành Dược bao gồm:
- Trường Đại học Dược Hà Nội.
- Trường Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên.
- Trường Đại học Y – Đại học Quốc gia Hà Nội.
- Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam.
- Trường Đại học Y Dược – Đại học Huế.
- Trường Đại học Yersin Đà Lạt.
- Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
- Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Trường Đại học Y Dược Cần Thơ.
Trường Cao đẳng đào tạo ngành Dược bao gồm:
- Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
- Trường Cao đẳng Y Dược Sài Gòn.
- Trường Cao đẳng Y Dược Pasteur.
- Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng.
- Cao đẳng Y Hà Nội.
- Cao đẳng Y tế Bạch Mai
- Cao đẳng Y tế Hà Đông
- Cao đẳng Y tế Thái Bình
- Cao đẳng Y Dược Asean
Trên đây là một số trường đào tạo ngành Dược hệ Đại học và Cao đẳng mà thí sinh có thể lựa chọn đăng ký theo học. Các trường đào tạo đảm bảo chương trình dạy chất lượng, theo đúng khung chương trình của Bộ đưa ra. Đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, phòng thực hành, thí nghiệm, phòng lab để sinh viên nâng cao tay nghề, bên cạnh đó còn liên kết với các bệnh viện, cơ sở nhà thuốc để sinh viên có thể thực tập, cọ xát với thực tế.
Lưu ý khi học tập trong lĩnh vực ngành Dược để việc làm tốt
Không chỉ dừng lại ở việc chọn cho mình một trường đào tạo ngành Dược chất lượng, các thí sinh còn cần lưu ý khi học tập trong lĩnh vực này để có cơ hội chọn cho mình một công việc tốt, mức lương cao.
Nắm vững kiến thức cơ bản:
Đây là nền tảng quan trọng trong ngành Dược. Các môn như Hóa học hữu cơ, Hóa học vô cơ, Sinh lý học, Sinh hóa học sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của dược phẩm trong cơ thể. Các kiến thức về dược lâm sàng, điều chế thuốc, học về tác dụng, cơ chế tác dụng, tác dụng phụ và cách sử dụng thuốc là một phần không thể thiếu.
Rèn luyện kỹ năng tự học:
Ngành Dược yêu cầu khả năng nghiên cứu và học hỏi liên tục, vì các kiến thức mới về thuốc và phương pháp điều trị liên tục thay đổi. Đọc sách, tài liệu chuyên ngành, bài báo nghiên cứu, và tham gia các khóa học trực tuyến để luôn cập nhật thông tin mới. Bên cạnh đó cũng cần phát triển kỹ năng làm việc nhóm, bởi vì công việc trong ngành này thường liên quan đến sự hợp tác giữa các chuyên gia trong lĩnh vực y tế.
Rèn luyện kỹ năng tay nghề:
Cần tận dụng các cơ hội thực tập tại bệnh viện, nhà thuốc, hoặc các công ty dược phẩm để hiểu rõ hơn về công việc thực tế. Học cách sử dụng các dụng cụ và thiết bị trong phòng thí nghiệm để thực hành chế tạo thuốc và kiểm tra chất lượng dược phẩm.
Cập nhật kiến thức mới, phát triển các mối quan hệ và nâng cao khả năng giao tiếp:
Học cách giải thích thuốc và các tác dụng của nó một cách dễ hiểu cho bệnh nhân, đồng thời biết cách làm việc với bác sĩ và các chuyên gia y tế khác. Ngành Dược luôn thay đổi với những tiến bộ trong công nghệ và nghiên cứu. Hãy tham gia các hội thảo, khóa học chuyên đề, và các sự kiện liên quan đến ngành để phát triển chuyên môn và hiểu rõ hơn về xu hướng mới. Trong ngành Dược, mối quan hệ với các chuyên gia trong lĩnh vực y tế, nghiên cứu, và công ty dược phẩm là rất quan trọng. Hãy tận dụng các mối quan hệ tại nơi thực tập, với bạn bè cùng theo học.
Học ngành dược có tương lai không? Có thể khẳng định rằng, ngành dược không chỉ mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng mà còn góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, để thành công trong ngành này, các bạn trẻ cần không ngừng học hỏi và phát triển bản thân, cũng như có sự chuẩn bị tốt cho những thách thức trong tương lai.