Học ngành Phục hồi chức năng ra làm gì? Đây là câu hỏi mà rất nhiều thí sinh đang phân vân lựa chọn ngành trong lĩnh vực Y tế. Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây để được giải đáp thắc mắc về công việc của ngành Phục hồi chức năng cũng như xu thế phát triển trong tương lai.

Ngành Phục hồi chức năng ra làm gì?

Phục hồi chức năng là quá trình giúp người bệnh lấy lại khả năng hoạt động bình thường sau khi bị tổn thương hoặc mắc bệnh. Quá trình này không đơn thuần chỉ là chữa trị mà còn hướng đến mục đích tái tạo lại các chức năng của cơ thể, giúp người bệnh trở lại cuộc sống bình thường.

Những người cần phải sử dụng tới biện pháp Phục hồi chức năng như: Bị chấn thương do tai nạn, các bệnh mãn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp, hay những người tai biến đột quỵ, gãy xương, đứt dây chằng… Vậy một người học ngành Phục hồi chức năng ra làm gì?

Các công việc của ngành phục hồi chức năng được nhiều quan tâm
Các công việc của ngành phục hồi chức năng được nhiều quan tâm

Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu

Những người làm trong lĩnh vực Phục hồi chức năng phải nắm được những kiến thức cơ bản về các phương pháp điều trị vật lý trị liệu, vật lý trị liệu hệ tim mạch – hô hấp, vật lý trị liệu hệ thần kinh – cơ, vật lý trị liệu cơ xương.

Áp dụng các phương pháp châm cứu và chữa bệnh không dùng thuốc (y học cổ truyền) phục hồi chức năng cho người bệnh. Hướng dẫn người bệnh, gia đình người bệnh sử dụng thành thạo một số dụng cụ trợ giúp đơn giản hỗ trợ trong điều trị.

Trị liệu ngôn ngữ

Giúp đỡ những bệnh nhân phục hồi lại khả năng ăn uống, giao tiếp sau các cơn tai biến, đột quỵ. Các vấn đề liên quan có thể xảy ra như: rối loạn giọng nói, rối loạn nuốt,… việc Phục hồi chức năng trong điều trị ngôn ngữ sẽ giúp cải thiện khả năng giao tiếp mà còn hỗ trợ bệnh nhân trong việc hòa nhập vào cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống và khả năng tự lập.

Trị liệu tâm lý

Một người làm việc trong lĩnh vực Phục hồi chức năng không chỉ giúp tái tạo lại hệ vận động, xương – khớp, hay điều trị giọng nói mà còn phục hồi chức năng về cả mặt tâm lý cho người bệnh.

Đa phần những người phải tập Phục hồi chức năng dù ở mức độ nặng hay nhẹ đều cảm thấy tự ti với bản thân, tâm lý ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình phục hồi. Do đó, một Kỹ thuật viên Phục hồi chức năng chuyên nghiệp cần phải trị liệu cả tâm lý đối với người bệnh. Hỗ trợ bệnh nhân vượt qua khó khăn tâm lý, giúp họ hòa nhập lại vào cuộc sống bình thường, đặc biệt trong trường hợp bị khuyết tật hoặc hậu chấn thương.

Chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng

Hướng dẫn thành thạo các phương pháp phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng. Xây dựng kế hoạch làm việc theo nhóm và phối hợp với các thành viên trong nhóm để thực hiện kế hoạch chăm sóc điều trị cho bệnh nhân.

Cơ hội việc làm sau khi học Phục hồi chức năng

Các Kỹ thuật viên phục hồi chức năng khi ra trường có thể làm việc trong các Bệnh viện, Trung tâm điều dưỡng – Phục hồi chức năng; Trung tâm chỉnh hình – Phục hồi chức năng, phòng khám, các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân:

  • Phục hồi chức năng về vật lý trị liệu;
  • Phục hồi chức năng về hoạt động trị liệu.

Các công việc cụ thể như:

  • Đánh giá tình trạng bệnh nhân, khám và chẩn đoán mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân thông qua các phương pháp khám lâm sàng, các bài kiểm tra chuyên môn. Lập hồ sơ bệnh án, các thông tin về lịch sử bệnh như chấn thương hoặc các vấn đề liên quan
  • Lập kế hoạch điều trị dựa trên hồ sơ bệnh án, tùy từng bệnh nhân mà đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
  • Thực hiện được các phương pháp điều trị Phục hồi chức năng như: Vật lý trị liệu, trị liệu ngôn ngữ, trị liệu tâm lý.
  • Thiết kế và hướng dẫn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân những bài tập phù hợp trong quá trình Phục hồi chức năng hoặc cách sử dụng các thiết bị hỗ trợ.
  • Theo dõi quá trình tiến triển của bệnh nhân qua các bài tập, đánh giá tiến độ và đưa ra lời tư vấn điều chỉnh kế hoạch tập luyện phù hợp theo từng giai đoạn.
  • Giáo dục phòng ngừa cho bệnh nhân về cách ăn uống, sinh hoạt để duy trì lối sống khỏe mạnh phòng ngừa các bệnh tái phát…
  • Người học Phục hồi chức năng còn có thể làm các công việc nghiên cứu và phát triển chuyên môn, tham gia các nghiên cứu khoa học về phương pháp điều trị mới, các khóa đào tạo sử dụng máy móc trang thiết bị y tế hiện đại vào việc hỗ trợ điều trị Phục hồi chức năng cho người bệnh.

Có thể thấy được rằng những người học Phục hồi chức năng ra trường có thể làm việc tại rất nhiều cơ sở y tế khác nhau, không chỉ dừng lại ở việc điều trị, phục hồi cho người bệnh.

Những người học Phục hồi chức năng còn có thể trở thành giảng viên tại các trường học, hỗ trợ cho các học sinh gặp vấn đề về ngôn ngữ, kỹ năng vận động. Bên cạnh đó có thể làm việc tại các công ty thiết bị y tế, trở thành nhân viên kinh doanh tư vấn bán và giới thiệu sản phẩm cho người bệnh.

Xu hướng phát triển tương lai ngành Phục hồi chức năng

Ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của cả cộng đồng. Chính điều này tạo cơ hội rất tốt cho những người có niềm đam mê theo học Phục hồi chức năng có cơ hội việc làm tốt và phát triển trong tương lai.

Xu hướng phát triển ngành phục hồi chức năng thế nào
Xu hướng phát triển ngành phục hồi chức năng thế nào

Ứng dụng công nghệ thông tin vào điều trị Phục hồi chức năng

Phải nói rằng công nghệ thông tin là một thứ không thể thiếu trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề, đối với ngành Phục hồi chức năng cũng vậy. Việc ứng dụng công nghệ thông tin mở ra kỷ nguyên mới trong ngành, giúp ích rất nhiều trong quá trình điều trị và theo dõi người bệnh.

Việc ghi chép tiến trình Phục hồi chức năng, lịch sử bệnh án ghi lại quá trình tập luyện theo dõi đánh giá mức độ và các mục tiêu đều có thể thực hiện một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó việc phát triển các app sức khỏe, khám chữa bệnh tư vấn từ xa qua video call có thể tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như tiền bạc cho cả người bệnh lẫn người điều trị.

Chính vì thế, công nghệ thông tin cũng không ngừng phát triển, đổi mới và nâng cấp chất lượng giúp cho việc Phục hồi chức năng của người bệnh cũng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ cho người bệnh mọi lúc mọi nơi.

Nghiên cứu và phát triển những phương pháp mới

Đối với ngành Phục hồi chức năng, việc vận dụng các bài tập, các dụng cụ hay máy móc đều hỗ trợ rất nhiều trong quá trình này.

  • Nghiên cứu về tác động của tâm lý: Giúp hiểu rõ hơn về sự kết nối giữa tâm trí và cơ thể, từ đó có thể phát triển những chương trình điều trị phù hợp hơn.
  • Phát triển công nghệ 3D trong phục hồi chức năng: Việc sử dụng các mô hình 3D giúp bệnh nhân hiểu rõ hơn về cơ thể mình và thúc đẩy quá trình học tập, tập luyện.
  • Nghiên cứu các loại dụng cụ, máy móc: Có thể nghiên cứu các loại máy móc, thiết bị mới hoặc cải tiến chức năng để các bài tập Phục hồi ngày càng nâng cao được chất lượng hơn nữa.
  • Công nghệ AI: Trí tuệ nhân tạo cũng dần phát triển hơn trước, con người có thể ứng dụng công nghệ AI trong việc chẩn đoán đánh giá tình trạng bệnh cũng như lập các phác đồ điều trị giúp bệnh nhân.

Phát triển giáo dục

Theo Quyết định Số: 569/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc: Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050:

Nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng, phấn đấu trên 90% bệnh viện phục hồi chức năng đạt mức chất lượng từ khá trở lên theo tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế; 100% các bệnh viện, trung tâm Chỉnh hình – Phục hồi chức năng, đơn vị cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng thuộc các bộ, ngành đạt chỉ tiêu phát triển chuyên môn kỹ thuật, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều này có thể thấy rằng, Chính phủ nhà nước cũng đang không ngừng đẩy mạnh phát triển ngành Phục hồi chức năng lên tầm cao mới. Đòi hỏi phải nâng cấp chất lượng đội ngũ Bác sĩ, Kỹ thuật viên tay nghề, hơn hết còn cần phải cải thiện nâng cấp các trang thiết bị tại cơ sở Y tế, Bệnh viện để ngành phát triển hơn nữa.

Có nên học ngành Phục hồi chức năng

Cũng trong Quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ: Phát triển nguồn nhân lực phục hồi chức năng đạt tỷ lệ nhân viên y tế làm việc trong lĩnh vực phục hồi chức năng tối thiểu 0,5 người/10.000 dân. Tại tất cả các tuyến trong và ngoài ngành Y tế với sự đa dạng về phương pháp can thiệp đảm bảo cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng toàn diện, liên tục, chất lượng.

Do vậy việc học tập trong lĩnh vực Phục hồi chức năng hoàn toàn là lựa chọn sáng suốt trong việc lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai. Nhân lực của ngành Phục hồi chức năng hiện tại chưa đáp ứng được số lượng bệnh nhân điều trị do còn rất ít. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký xét tuyển hệ Đại học hoặc Cao đẳng Kỹ thuật Phục hồi chức năng.

Đối với hệ Đại học, các trường Đại học Y trên cả nước thường sẽ lấy điểm chuẩn, các thí sinh muốn đăng ký học cần phải tiến hành dự thi kỳ thi THPT Quốc gia, mức điểm giữa các trường giao động từ 22 đến 26 điểm tùy vào từng trường.

Ở hệ Cao đẳng, có nhiều trường sử dụng phương pháp xét tuyển, đơn cử như Trường Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch tuyển sinh các chuyên ngành: Cao đẳng Kỹ thuật Phục hồi chức năng, Cao đẳng Điều dưỡng, Cao đẳng Y sĩ đa khoa… với điều kiện thí sinh cần đáp ứng đỗ tốt nghiệp THPT. Điều này giúp các thí sinh giảm bớt lo lắng do điểm số cạnh tranh ở hệ Đại học.

Học ngành Phục hồi chức năng có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực và đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân phục hồi các chức năng đã mất, cải thiện chất lượng cuộc sống và hòa nhập trở lại với cộng đồng. Lựa chọn học ngành này bạn sẽ có cơ hội phát triển sự nghiệp, đón đầu xu hướng điều trị khám, chữa bệnh trong tương lai.

5/5 - (1 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)